English Korean Vietnamese
Được hỗ trợ bởi Dịch
 

Nồng độ SPO2 là gì? Bao nhiêu là bình thường?

16/07/2022 Đăng bởi: Nubicom

SpO2 là gì, Sp02 là gì, SpO2 bao nhiêu là bình thường, đo SpO2 như thế nào là những cụm từ được tìm kiếm rất nhiều thời gian gần đây, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp khó lường. Các chuyên gia cho biết, chỉ số SpO2 chính là một trong các tiêu chí đóng vai trò quan trọng giúp xác định được dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, cần kiểm tra thường xuyên cho người bệnh để có hướng xử lý kịp thời nếu xuất hiện vấn đề bất thường. Hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết sau để tìm hiểu chỉ số SpO2 là gì, SpO2 bình thường là bao nhiêu và một số thông tin liên quan.

Nồng độ SpO2 là gì?


Theo giải đáp từ các chuyên gia y tế, SpO2 (Saturation of peripheral Oxygen) được hiểu là độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi, hay cụ thể hơn chỉ số SpO2 sẽ cho thấy tỷ lệ của Hemoglobin chứa oxy so với tổng hàm lượng Hemoglobin có trong máu. Trong đó Hemoglobin (Hb) chính là thành phần vô cùng quan trọng, không chỉ quyết định màu sắc hồng cầu mà khi Hb liên kết cùng phân tử oxy để hình thành HbO2 sẽ giúp cho máu dễ dàng vận chuyển oxy đến các cơ quan khác của cơ thể.


Ngoài những chỉ số cơ thể quen thuộc như nhiệt độ, huyết áp, mạch, nhịp thở thì SpO2 cũng là một tiêu chí để nhận định dấu hiệu sinh tồn của con người, do đó việc duy trì được sự cân bằng SpO2 trong máu rất cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên nhiều người hiện nay do chưa nắm rõ mà thường nhầm lẫn cách viết thành Sp02, vì vậy bạn cần lưu ý SpO2 mới là chính xác.

Bên cạnh câu hỏi SpO2 là gì thì mọi người còn băn khoăn những ai cần phải lưu ý theo dõi chỉ số SpO2 của cơ thể. Thực tế, nếu sức khỏe bình thường ổn định thì sẽ không cần thiết kiểm tra SpO2 thường xuyên, mà chỉ các trường hợp sau đây mới phải đo SpO2 để xác định được lượng oxy trong máu có đủ hay không:

Người đang có những biểu hiện bất thường như đau tức ngực, rối loạn nhịp tim, khó thở, mạch đập không ổn định…
Người đang mắc các bệnh lý bao gồm: Covid-19, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn mãn tính, suy hô hấp, tụt huyết áp, suy tim, trụy mạch, đột quỵ não…
Đo SpO2 đối với trẻ bị đẻ non hoặc trẻ đang gặp phải tình trạng suy hô hấp.
Cần tiến hành theo dõi chỉ số này khi bệnh nhân làm phẫu thuật để biết được SpO2 bình thường hay bất thường.

Xem thêm: Chỉ số oxy trong máu


Nồng độ SpO2 bao nhiêu là bình thường?


Như đã chia sẻ trước đó thì có thể thấy rằng SpO2 có ý nghĩa rất quan trọng, vậy chỉ số SpO2 bình thường như thế nào? Theo đó SpO2 sẽ được đo bằng phần trăm, ví dụ kết quả cho thấy SpO2 hiện tại đạt 98% thì đồng nghĩa với việc một tế bào hồng cầu bao gồm 98% Hb oxy hóa và 2% Hb không oxy hóa.

Theo nghiên cứu từ các nhà khoa học, SpO2 bao nhiêu là bình thường và an toàn ở người khỏe mạnh thường dao động trong khoảng từ 95% cho đến 100%, có khả năng cung cấp đầy đủ năng lượng cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động bình thường. Chính vì vậy, nếu nhận thấy chỉ số đo SpO2 thấp hơn 95% chứng tỏ trong máu đang thiếu hụt oxy, hay còn được hiểu là hiện tượng oxy hóa máu không ổn định.

Thế nhưng có một điều cần lưu ý rằng, chỉ số này không hoàn toàn áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Bởi giả sử ở những bệnh nhân đang mắc chứng phổi tắc nghẽn mãn tính hay một số bệnh lý khác có liên quan đến phổi thì SpO2 bình thường sẽ duy trì ở mức thấp hơn.

Tuy nhiên, đối với vấn đề SpO2 bao nhiêu là bình thường thì bạn có thể tham khảo các mức độ như dưới đây để chủ động nhận biết và theo dõi tình trạng sức khỏe hiệu quả hơn:

Chỉ số đo SpO2 đạt từ 97% đến 99%: Cho thấy oxy trong máu đang ở mức tốt, SpO2 bình thường không có triệu chứng suy hô hấp.
SpO2 trong khoảng từ 94% đến 96%: Tỷ lệ oxy hóa trong máu đạt mức trung bình, chưa đáng báo động nhưng nên được thở thêm oxy.
SpO2 trong khoảng từ 90% đến 93%: Biểu hiện cho thấy oxy trong máu xuống thấp, phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.
Đo SpO2 thấp hơn 90%: Giai đoạn cận kề nguy hiểm, nguyên nhân bởi đây là dấu hiệu của ca cấp cứu trên lâm sàng khẩn cấp.
SpO2 thấp hơn 95% (có thở oxy) hoặc thấp hơn 92% (không thở oxy): Cho thấy triệu chứng suy hô hấp đang ở mức rất nặng.
Chỉ số SpO2 đối với trẻ sơ sinh: Nếu đạt SpO2 > 94% là đảm bảo an toàn, ngược lại trong trường hợp giảm xuống còn dưới 90% trẻ có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh và phải được can thiệp xử lý kịp thời.
Không chỉ nên tìm hiểu SpO2 bao nhiêu là bình thường mà đồng thời bạn cũng cần nắm bắt một số yếu tố làm sai lệch kết quả SpO2. Mặc dù hiện nay trên thị trường đã có rất nhiều sản phẩm giúp mọi người có thể dễ dàng đo SpO2, nhưng mức độ chính xác của thiết bị có thể ít nhiều bị ảnh hưởng do các vấn đề sau đây:

Mức độ sai lệch của máy đo thường chênh lệch khoảng trên dưới 2%.
Người đang sơn móng tay hoặc sử dụng móng giả gây tác động cảm biến của máy.
SpO2 không chính xác do bệnh nhân cử động nhiều trong khi đo.
Một số lý do khác: Thời tiết quá lạnh, huyết áp thấp, yếu tố nhiễu ánh sáng, người có dấu hiệu Hemoglobin trong máu bất thường, đang dùng thuốc co thắt mạch máu…'


Nguyên nhân tại sao nồng độ SpO2 thấp?


SpO2 bình thường khi chỉ số này đạt từ 95% trở lên, vì thế nồng độ oxy trong máu thấp hơn con số này có nghĩa là cơ thể đang gặp một vấn đề nào đó gây cản trở hoạt động cung cấp oxy cho các cơ quan, tế bào, mô và cơ bắp bên trong cơ thể.

Chỉ số SpO2 thấp hơn bình thường khiến cho tuần hoàn không ổn định, có thể gây ra nhiều triệu chứng như: Khó thở, thở khò khè, nhịp thở không đều, chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh, có cảm giác bồn chồn rối loạn khả năng tri giác, bất thường về thị giác… Dưới đây là một số nguyên nhân làm giảm độ bão hòa oxy trong máu thường gặp mà người bệnh cần phải chú ý:

SpO2 giảm do mắc các bệnh lý về hệ thống hô hấp


Tại sao chỉ số SpO2 thấp có nguyên nhân phổ biến nhất từ các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp, trong đó điển hình phải kể đến Covid-19, hen suyễn, viêm phổi, phù phổi cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những người vốn có sức khỏe, thể trạng tốt nếu mắc bệnh đường hô hấp thì tình trạng suy giảm oxy trong máu có thể không quá nguy hiểm. Trái lại, khi bệnh tình diễn biến nghiêm trọng hơn hoặc người sức khỏe yếu cần phải theo dõi thường xuyên SpO2 để ngăn ngừa các tình huống rủi ro xảy ra.

SpO2 thấp nguyên nhân do tình trạng thiếu máu


Cơ thể nếu đang bị thiếu máu cũng đồng nghĩa với việc hàm lượng Hemoglobin trong máu suy giảm một cách đáng kể, dẫn đến hậu quả là SpO2 thấp hơn mức bình thường. Tình trạng thiếu máu được biểu hiện qua các triệu chứng bao gồm: Đau nhức đầu, hoa mắt chóng mặt, da xanh xao và nhợt nhạt, tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp bồn chồn, cơ thể mệt mỏi, ù tai, ăn uống kém…

Người bệnh suy tim
Suy tim xảy ra khi hoạt động của cơ tim suy yếu đi, đồng thời chức năng bơm máu của tim cũng không còn được ổn định khiến cho chỉ số SpO2 bị giảm. Vì thế, các bác sĩ thường xuyên phải kiểm tra SpO2 của bệnh nhân để kịp thời đánh giá tình trạng thay đổi như thế nào, có đáp ứng điều trị không hay cần điều chỉnh như thế nào nhằm đạt hiệu quả tốt.

Ngoài ra, vì sao SpO2 giảm cũng không loại trừ khả năng bạn thực hiện sai kỹ thuật (trong trường hợp tự đo tại nhà) hoặc chất lượng của thiết bị không đảm bảo. Một số trường hợp đang ở trong không gian quá bí bách, thiếu hụt oxy trong không khí cũng khiến cho chỉ số SpO2 tạm thời thấp hơn so với thông thường.

Tại sao không đo được SpO2?


Nhiều người gặp phải tình trạng không đo SpO2 được, hầu hết đều xảy ra khi tự sử dụng các thiết bị đo tại nhà nên vô cùng băn khoăn không biết lý do vì sao. Bạn có thể tham khảo một vài nguyên nhân cũng như cách xử lý của tình trạng này như sau:

Ngón tay chưa đặt đúng vị trí trong thiết bị đo nồng độ SpO2


Thường phổ biến với các trường hợp đặt ngón tay quá nông, chưa đến vị trí cảm biến của thiết bị nên chỉ số SpO2 và nhịp tim không thể hiển thị được. Vì thế bạn cần kiểm tra lại, đảm bảo ngón tay đặt vào vị trí chính xác để máy có thể đo được bình thường.

Ngón tay cử động nhiều hoặc cơ thể đang vận động


Đây cũng là một nguyên nhân giải thích tại sao không đo được SpO2 hoặc khiến kết quả nhảy số liên tục không ổn định. Khi đo nồng độ oxy trong máu cần phải ở trạng thái nghỉ ngơi, ngón tay để ở trạng thái tĩnh thì máy đo mới hiện được chỉ số.

Do các vấn đề của thiết bị đo


Máy đo hết pin, pin lắp sai vị trí, máy bị hỏng không có tín hiệu, chất lượng của sản phẩm không đảm bảo (mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng)... đều có thể dẫn tới việc không đo được chỉ số SpO2. Trường hợp này bạn hãy thử kiểm tra tình trạng của pin, hoặc chú ý tìm mua thiết bị tại những địa chỉ uy tín, sản phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ.

Hướng dẫn cách đo SpO2 đúng cách tại nhà


Hiện nay, các loại máy đo SpO2 trên thị trường hầu hết đều hoạt động dựa trên nguyên lý đo xung thông qua ngón tay, kích thước nhỏ gọn với cách thực hiện đơn giản. Theo đó, quy trình kiểm tra mức độ bão hòa oxy trong máu bằng máy đo tại nhà gồm 6 bước dưới đây:

Bước 1: Móng tay cần được làm sạch, cắt gọn ghẽ, không dùng sơn móng tay hoặc móng giả vì sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả đo.
Bước 2: Trước khi đo nên nghỉ ngơi thoải mái trong vòng khoảng 5 phút.
Bước 3: Tiến hành xoa hai bàn tay với nhau giúp làm ấm, đặc biệt là trong những thời điểm thời tiết vào mùa lạnh.
Bước 4: Mở kẹp máy và đặt ngón tay vào bên trong, lưu ý bảo đảm ngón tay phải chạm được vào điểm cuối cùng của máy đo để bộ phận cảm biến hoạt động.
Bước 5: Khởi động máy đo bằng cách nhấn nút nguồn, giữ nguyên tay ở trạng thái tĩnh để máy tiến hành đo, kết quả SpO2 sẽ hiển thị sau khoảng 5 - 10 giây.
Bước 6: Ghi lại kết quả đo, sau khi hoàn thành thì rút ngón tay ra khỏi máy và máy sẽ tự động tắt nguồn.


Cách làm tăng nồng độ SpO2


Bên cạnh những thông tin giải đáp chỉ số SpO2 là gì và chỉ số SpO2 bao nhiêu là bình thường thì chúng tôi cũng muốn gửi đến bạn đọc một số cách làm tăng chỉ số SpO2 tại nhà đơn giản gồm:

Luyện tập hít thở sâu đúng cách


Theo các chuyên gia y tế, luyện tập hít thở sâu đúng cách mỗi ngày sẽ giúp bạn có thể tăng chỉ số SpO2 đáng kể. Việc hít thở sâu sẽ giúp cơ thể chúng ta tiếp nhận thêm nhiều oxy hơn trong một lần hít, phổi sẽ có nhiều oxy hơn để phân phối đến các cơ quan, tế bào trong cơ thể và việc này còn giúp cải thiện đáng kể tuần hoàn máu trong cơ thể người bệnh. Bài tập hít thở sâu rất đơn giản, bạn chỉ cần hít thở một hơi dài đủ không khí căng tràn lồng ngực, bụng căng ra sau đó đẩy hơi thở ra một cách chậm rãi từ vùng bụng lên ngực và thở ra ngoài.

Các chuyên gia cũng cho biết thêm, để đạt hiệu quả tốt trong việc cải thiện chỉ số SpO2, người bệnh cần thực hiện hít thở sâu 10 - 30 phút mỗi ngày, chia làm 2 đến 3 lần tập, mỗi lần khoảng 5 đến 10 phút.

Ngồi, nằm, đứng đúng tư thế


Chỉ cần duy trì các tư thế ngồi, nằm, đứng đúng cách cũng đã là một cách làm tăng chỉ số SpO2 hiệu quả cho người bệnh. Khi nồng độ SpO2 có dấu hiệu giảm nhẹ bạn cần duy trì tư thế nằm sấp ít nhất 2 đến 3 giờ để cải thiện mức độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi.

Trong sinh hoạt bình thường hàng ngày, bạn cũng nên cố gắng giữ mình ở tư thế đứng thẳng, ngồi thẳng để cho phép phổi giãn nở tối đa, tăng cường dung tích để tiếp nhận oxy vào trong phổi. Tư thế nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ là 2 tư thế tốt nhất giúp giảm áp lực lên phổi, không khí dễ dàng đi vào cơ thể hơn so với tư thế nằm ngửa.

Tập luyện thể dục thường xuyên


Nhắc đến những cách làm tăng chỉ số SpO2 thì cũng không thể bỏ qua việc tập luyện thể dục thường xuyên. Việc tập thể dục không chỉ bổ trợ cho việc hít thở sâu, giúp cơ hoành mở ra co vào tốt hơn để đón nhận được nhiều không khí mà còn giúp tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận trên cơ thể, giúp người bệnh có tâm lý thoải mái hơn, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Lưu ý, trong giai đoạn SpO2 đang có xu hướng giảm bạn không nên tập luyện quá mạnh, chỉ nên dừng ở những bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như các bài tập thể dục nhịp điệu, yoga ở tư thế đơn giản, đi bộ, đạp xe tại chỗ,...

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh


Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng rất lớn đến lượng oxy trong máu. Ăn uống khoa học sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất, tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện mức độ bão hòa oxy trong máu. Bạn nên bổ sung nhiều rau xanh, các thực phẩm có chứa nhiều chất chống oxy hóa (việt quất, dâu tây, mâm xôi, nam việt quất,...), các loại đậu, thịt gia cầm, cá,...

Tránh xa thuốc lá

 

Không chỉ dừng lại ở việc không hút thuốc lá mà bạn cần đứng xa những người đang sử dụng thuốc lá để đảm bảo cơ thể không bị hít thuốc lá thụ động. Khói thuốc lá có chứa rất nhiều CO, chúng thường bám vào phân tử Hemoglobin khiến cơ thể giảm khả năng vận chuyển oxy, giảm nồng độ oxy trong máu.

Tăng chất lượng không khí tại nhà


Song song với việc cải thiện khả năng hấp thụ oxy thì bạn cũng cần chú ý cải thiện nguồn không khí đi vào cơ thể. Hãy luôn duy trì nơi ở sạch sẽ, thoáng khí, có thể sử dụng thêm các sản phẩm máy lọc không khí để loại bỏ khí độc, bụi bẩn.

Việc duy trì những cách làm tăng chỉ số SpO2 ở trên đều đặn hàng ngày, hàng tuần trong một khoảng thời gian dài không phải là điều mà ai cũng có thể dễ dàng làm được. Tuy nhiên, để hạn chế nguy cơ bị hạ độ bão hòa oxy trong máu, duy trì sức khỏe tốt nhất bạn nên cố gắng thực hiện đầy đủ và biến chúng trở thành thói quen cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.

Như vậy, thông qua nội dung trên đây các chuyên gia đã gửi tới bạn đọc thông tin giải đáp SpO2 là gì, SpO2 bao nhiêu là bình thường, vì sao SpO2 giảm đồng thời hướng dẫn cách đo chuẩn xác nhất. Có thể nhận thấy rằng, việc theo dõi SpO2 thường xuyên là rất cần thiết, nhất là đối với người bệnh đang mắc Covid-19 để kịp thời can thiệp xử lý bởi tình trạng thiếu oxy máu, suy hô hấp có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng về sau đó. Hy vọng rằng bạn đọc đã có thể tham khảo thêm nhiều kiến thức bổ ích trong bài viết, nắm được những thông tin về chỉ số SpO2 từ đó chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của bản thân mình và người thân.

 

Viết bình luận của bạn: